Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Phường Đông Hải  - TP.Thanh Hóa

Công điện khẩn về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 16:05:57 01/03/2023 (GMT+7)
100%

Kính thưa toàn thể cán bộ, Nhân dân! Ngày 27/02/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về việc ngăn chặn, tình trạng nhập lậu vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nội dung cụ thể như sau:

 Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian gần đây tại Căm-pu-chia đã phát hiện ca tử vong trên người do vi rút Cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do các chủng vi rút Cúm gia cầm do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan khẩn trương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Công điện số 1030/CĐ-BNN-TY ngày 26/02/2023; chỉ đạo của UBND tỉnh (Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 04/4/2019, Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 14/11/2022, Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 31/10/2022, Chỉ thị số 01/CTUBND ngày 17/01/2023) và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT; trong đó, chú trọng tập trung thực hiện những biện pháp sau:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; tổ chức vận động Nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

2. Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện biên giới giáp với nước bạn Lào, các huyện, thị xã, thành phố ven biển... Trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy, chỉ đạo đơn vị chuyên môn cấp huyện lấy mẫu, gửi cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).

- Tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản nhằm phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch trên gia cầm; thông báo kịp thời cho ngành Nông nghiệp và PTNT, Y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm để phối hợp phòng, chống dịch hiệu quả. Chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm để cách ly, điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

- Khẩn trương tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm đợt 1 năm 2023 đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 14/11/2022. Thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm.

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch động vật tại các cửa khẩu. Tăng cường kiểm tra công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.

- Chỉ đạo các lực lượng Ban 389 trên địa bàn quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Công điện số 1030/CĐ-BNN-TY ngày 26/02/2023; chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 04/4/2019, Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 14/11/2022, Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 31/10/2022, Chỉ thị số 01/CTUBND ngày 17/01/2023.

- Phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc lưu thông trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và chủ động lấy mẫu xét nghiệm giám sát sự lưu hành vi rút cúm A/H5N1 và các loại Cúm gia cầm khác tại các địa bàn có nguy cơ cao (các điểm, cơ sở buôn bán, tập kết gia cầm, chợ buôn bán, cơ sở giết mổ, cơ sở tiêu hủy gia cầm, địa phương giáp biên giới,...); phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; thông báo kịp thời cho Sở Y tế để phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người.

- Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định hiện hành; tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.

- Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

4. Sở Y tế tăng cường chỉ đạo, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1 và các loại cúm gia cầm khác trên người để cách ly, chủ động giám sát tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan; sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, đảm bảo đủ cơ số trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.

5. Công an tỉnh tổ chức điều tra, ngăn chặn và thực hiện bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; các đối tượng thông tin sai sự thật về dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho Nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh Cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

7. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép trên địa bàn tỉnh, gia cầm, sản phẩm gia cầm, không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

8. Sở Tài chính chủ động tham mưu, cân đối nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch theo đề xuất của các đơn vị, đảm bảo các hoạt động phòng, chống dịch được triển khai có hiệu quả.

9. Các sở, ngành và từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và các bệnh lây lan từ động vật sang người tổ chức đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các địa phương.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện.

Tin bài: Hàn Thị Anh Thương, công chức Tư pháp - hộ tịch

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
592
Hôm qua:
1423
Tuần này:
9078
Tháng này:
27851
Tất cả:
644225

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289